HVS – Công ty Cổ phần Chứng khoán HVS

TIN TỨC

[Longform] Giám đốc đầu tư UOB Asset Management: Đầu tư công là nhân tố quan trọng thúc đẩy kinh tế năm 2025

Giám đốc đầu tư UOB Asset Management: Đầu tư công là nhân tố quan trọng thúc đẩy kinh tế năm 2025

Theo ông Lê Thành Hưng – Giám đốc đầu tư UOB Asset Management (Việt Nam) – kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng với mức dự báo 6.5 – 7% trong năm 2025.

Nhìn lại năm 2024, theo ông, đâu là điểm sáng đáng chú ý nhất của nền kinh tế Việt Nam?

Ông Lê Thành Hưng: GDP tăng trưởng mạnh qua từng quý, bất chấp ảnh hưởng của cơn bão Yagi. Năm 2024, kinh tế Việt Nam tăng trưởng đều trên nhiều mặt như: Sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, FDI, du lịch và bán lẻ.

Ông dự báo gì về lạm phát và tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025? Đâu sẽ là ẩn số lớn nhất có thể tác động nhiều nhất lên tăng trưởng kinh tế?

Kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng với mức dự báo 6.5 – 7%. Các Ngân hàng Trung ương thế giới tăng lãi suất hậu COVID-19 đã thành công trong việc kiềm chế lạm phát. Do đó, lạm phát Việt Nam sẽ ổn định và dao động trong khoảng 3.5 – 4%.

Chính sách thuế của Trump 2.0 là ẩn số lớn nhất cho kinh tế Việt Nam, vì kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở với phần xuất khẩu chiếm hơn 80% GDP và thị trường Mỹ chiếm đến 30% tỷ trọng xuất khẩu Việt Nam.

Gia tăng đầu tư công cũng là nhân tố quan trọng thúc đẩy kinh tế năm 2025.

Nhìn ra quốc tế, đâu sẽ là những yếu tố có thể tác động lên nền kinh tế Việt Nam, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử?

Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 về thâm hụt thương mại của Mỹ và Tổng thống đắc cử Donald Trump đe dọa tăng thuế đối với các nước có thặng dư thương mại với Mỹ. Do đó, chính sách thuế của Donald Trump sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và chính sách của Mỹ hạn chế công nghệ cao của Trung Quốc sẽ thúc đẩy việc chuyển dịch chuỗi cung ứng công nghệ sang Việt Nam.

Trong năm 2024, việc thu hút dòng vốn FDI là điểm sáng của kinh tế Việt Nam. Thời gian tới, những lợi thế nào sẽ giúp Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn này?

Tính chung 11 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 31.4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài ước tính đã giải ngân được khoảng khoảng 21.68 tỷ USD, tăng 7.1% so với cùng kỳ năm 2023.

Các lợi thế về nhân công, địa lý thuận lợi, chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài, hạ tầng cải thiện và xu hướng China +1 là các yếu tố giúp Việt Nam tiếp tục thu hút FDI.

Ông mong chờ gì từ chính sách vĩ mô trong năm 2025?

Chính sách tài khóa mở rộng gồm tăng cường đầu tư công vào hạ tầng và giảm thuế VAT sẽ kích thích nhu cầu nội địa.

Chính sách tiền tệ ôn hòa, linh hoạt giữ lãi suất thấp và tỷ giá ít biến động giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vốn, tăng cường đầu tư và giảm thiểu rủi ro từ biến động lãi suất và tỷ giá.

Chính sách mở rộng quan hệ đa phương quốc tế sẽ giúp mở rộng thị trường xuất khẩu và đa dạng nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Dựa vào kỳ vọng đó, ông dự báo xu hướng lãi suất và tỷ giá của Việt Nam ra sao?

Áp lực tỷ giá vẫn còn trong năm 2025 do chính sách đồng USD mạnh từ hệ quả chính sách tài khóa của chính quyền Trump 2.0. Việt Nam khó còn dư địa để giảm lãi suất. Ngược lại, lãi suất có thể sẽ nhích dần lên trong năm 2025. VND có thể mất giá 2 – 3%.

Ông có thể cho biết, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay như thế nào? Lĩnh vực đầu tư nào thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại, nhất là trong năm 2025?

FDI vẫn tăng trưởng mạnh trong các năm qua, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có niềm tin vào kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, chính sách thuế quan của chính quyền Trump 2.0 sẽ làm nhà đầu tư nước ngoài thận trọng hơn khi đầu tư vào Việt Nam.

Trong năm tới, sản xuất công nghiệp, hạ tầng năng lượng và khu công nghiệp sẽ là những ngành thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Ông đánh giá gì về hoạt động của khối ngoại nói chung và riêng các quỹ đầu tư ngoại trong năm 2024 trên thị trường chứng khoán Việt Nam? Dự báo cho năm 2025, xu hướng hoạt động của khối ngoại như thế nào?

Kinh tế Mỹ phát triển mạnh, đồng USD mạnh và thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng vượt trội đã thu hút dòng vốn thế giới đổ vào thị trường Mỹ trong năm 2024.

Thị trường chứng khoán Việt Nam bị bán ròng 3.5 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2024. Xu hướng bán ròng sẽ giảm trong năm 2025, do thị trường Việt Nam có thể được FTSE Russell nâng hạng.

Ông nghĩ nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán nên có chiến lược đầu tư như thế nào trong thời gian tới?

Nhà đầu tư nên tập trung nghiên cứu, phân tích cơ bản cổ phiếu, lựa chọn cổ phiếu tốt, kiên trì và nắm giữ lâu dài. Nhà đầu tư nên hạn chế đầu cơ, lướt sóng cổ phiếu theo tin đồn.

Trong năm qua, dường như chỉ có kênh vàng và tài sản số liên tục lập ra nhiều kỷ lục mới. Theo ông, trong năm 2025, kênh đầu tư nào có nhiều lợi thế hút vốn (tiền gửi, chứng khoán, vàng, bất động sản, tài sản số…)?

Hiện nay, các kênh đầu tư hợp pháp ở Việt Nam đều thu hút các nhóm đối tượng nhà đầu tư riêng.

Tiền gửi ngân hàng chiếm ưu thế vì phù hợp với đa số người dân nhờ đặc điểm an toàn, tiện lợi, tạo thu nhập cố định và đáp ứng nhu cầu thanh khoản nhanh.

Chứng khoán có thể mang lại lợi nhuận cao hơn tiền gửi ngân hàng, do lợi nhuận các công ty tăng mạnh theo sự phát triển kinh tế. Đầu tư chứng khoán cũng có thanh khoản cao, nhưng biến động lớn, do đó thích hợp cho nhà đầu tư có kiến thức về chứng khoán và có khẩu vị rủi ro phù hợp.

Vàng là kênh trú ẩn an toàn và tăng giá trong thời gian gần đây nên là kênh phù hợp cho các nhà đầu tư thụ động, muốn bảo toàn giá trị tài sản. Nhưng chính sách của Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích người dân giữ vàng.

Xin cảm ơn ông.

Cát Lam

Thiết kế: Tuấn Trần

FILI

– 10:00 24/01/2025

Link gốc